Giỏ hàng

Ai được quyền quản lý hình ảnh camera giám sát?

Hiện nay, ngày càng có nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân lắp camera giám sát thời gian, thái độ làm việc của công chức, viên chức, nhân viên; theo dõi tình hình an ninh trật tự, bảo vệ tài sản, ngăn ngừa tội phạm.

Tuy nhiên, nếu việc quản lý hình ảnh từ các camera giám sát không chặt chẽ, để lộ những hình ảnh cá nhân ra ngoài là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm trực tiếp tới quyền cá nhân đối với hình ảnh của người khác.

* Lo ngại ảnh hưởng đến đời tư

Chủ một nhà nghỉ trên đường Đồng Khởi (TP.Biên Hòa) phản ảnh, hàng xóm đối diện với nhà nghỉ của ông lắp đặt camera chiếu thẳng vào khu nhà nghỉ làm cho khách rất ngại khi vào đây. Nhiều lần ông đề nghị hàng xóm không được hướng tầm quan sát của camera vào nhà nghỉ của ông nhưng hàng xóm không những không khắc phục mà còn đáp trả: “Tôi muốn chĩa camera về hướng nào là quyền của tôi”.

“Nếu hàng xóm dùng hình ảnh từ những người ra vào nhà nghỉ của tôi nhằm mục đích không trong sáng hoặc phát tán lên mạng xã hội thì ảnh hưởng nghiêm trọng đến bí mật đời tư của những vị khách này” - chủ nhà nghỉ cho biết.

Cũng theo chủ nhà nghỉ này, trước đây báo chí đã đăng thông tin một đôi trai gái có hành vi thân mật thái quá trong rạp phim, bị hệ thống camera giám sát của rạp ghi lại. Sau đó, hình ảnh này lại xuất hiện trên mạng xã hội. Trước sự việc này, dư luận đặt ra câu hỏi ai chịu trách nhiệm với hình ảnh cá nhân của người khác bị phát tán trên mạng xã hội, bởi họ không thể biết khi vô tình lọt vào camera giám sát...

Hiện nay, việc quản lý, theo dõi hệ thống camera giám sát tại nhiều cơ quan, đơn vị khá chặt chẽ, giao cho người có chức vụ hoặc bộ phận quản lý công nghệ thông tin phụ trách. Tuy nhiên, một số nơi lại giao quyền này cho người không có thẩm quyền khiến không ít người bức xúc.

Ông T.L. (ngụ TP.Biên Hòa) cho biết, cơ quan ông vừa lắp đặt hệ thống camera giám sát từng bộ phận làm việc. Tuy nhiên, thủ trưởng cơ quan lại giao cho một người không có thẩm quyền là... nhân viên hành chính theo dõi. Trong khi công việc chuyên môn của ông cùng các đồng nghiệp thường xuyên tiếp xúc, tư vấn pháp luật cho khách hàng. Trong trường hợp hình ảnh khách hàng bị lộ ra ngoài thì ai chịu trách nhiệm?”.

* Quyền hình ảnh cá nhân

Bộ luật Dân sự năm 2015 đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân và xác lập, bảo vệ quyền dân sự, trong đó có quyền nhân thân đối với hình ảnh cá nhân. Quyền cá nhân đối với hình ảnh được pháp luật ghi nhận và bảo vệ có ý nghĩa rất lớn đối với mỗi cá nhân, đây là yếu tố tinh thần gắn liền với mỗi cá nhân; hình ảnh của mỗi cá nhân bị xâm phạm không chỉ ảnh hưởng về mặt tinh thần mà còn ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm…

Do đó, theo luật gia Lê Văn Nhân (Hội Luật gia tỉnh), việc pháp luật dân sự ghi nhận và bảo vệ cho mỗi cá nhân quyền đối với hình ảnh đảm bảo quyền nhân thân, hạn chế một cách tối đa nhất hành vi xâm phạm. Ngoài ra, còn góp phần đảm bảo trật tự xã hội và giáo dục ý thức pháp luật cho mọi người tôn trọng quyền đối với hình ảnh của cá nhân, khi có hành vi xâm phạm, tùy theo tính chất mức độ, hậu quả xảy ra mà bị xử lý theo quy định của pháp luật tương ứng.

Theo luật sư Ngô Văn Định, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh, việc lắp đặt hệ thống camera giám sát trên những tuyến đường, khu dân cư phức tạp của lực lượng công an để phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự là đúng đắn, không bàn cãi. Tuy nhiên, việc lắp đặt camera trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị cũng phải xem xét sao cho hợp lý, đúng pháp luật về bảo vệ riêng tư, bí mật công tác.

Theo luật sư Định, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

“Trong trường hợp cá nhân phát hiện bất kỳ hành vi nào xâm phạm đến quyền nhân thân đối với hình ảnh của mình cá nhân có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật” - luật sư Định nói.

Điểm c, Khoản 1, Điều 10 Nghị định 56/2006/NĐ-CP ngày 6-6-2006 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa - thông tin quy định, phạt tiền từ 1-3 triệu đồng với hành vi đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó hoặc thân nhân người đó. Trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 592, Bộ luật Dân sự năm 2015 và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.